Skip to main content

Phòng Chống Tác Hại Thuốc Lá

HÓA CHẤT ĐỘC HẠI CÓ TRONG KHÓI THUỐC LÁ

Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh khói thuốc lá có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các ảnh hưởng này là do trong khói thuốc lá có chứa trên 7.000 hoá chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, đặc biệt có hơn 70 chất gây ung thư. Một số trong những chất trên có thể được liệt kê như sau:

1) Nicotine

Nicotine là một chất gây nghiện có trong thuốc lá. Theo các tài liệu, Nicotine được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong vòng 10 giây sau khi hút vào, tạo ra nhiều tác động tâm thần kinh như cảm giác sảng khoái, vui vẻ, tăng hoạt động nhận thức. Tuy nhiên, cảm giác đó sẽ mau qua đi sau vài phút. Khi nồng độ Nicotine trong cơ thể giảm xuống, người hút thuốc sẽ cảm thấy bức rức, căng thẳng, không tập trung được, buồn bã, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, … Vì vậy đế có sự thoải mái, người hút thuốc phải tiếp tục hút thuốc. Ở những người sử dụng thuốc lá, Nicotine được tìm thấy ở tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể và trong sữa mẹ. Đối với những người hút thuốc trên 15 điếu thuốc mỗi ngày, nồng độ Nicotine trong máu luôn ở mức cao, làm cho việc cai thuốc trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

2) Hắc ín

Nhựa thuốc lá là sự tập hợp tên của hàng ngàn chất hóa học và phụ gia, được tạo thành chất lắng lại của khói thuốc lá có đặc điểm dính và dày. Nhựa thuốc lá là một trong những sản phẩm phụ nguy hiểm nhất của khói thuốc lá, chứa rất nhiều chất gây ung thư. Khi khói thuốc lá được hít vào phổi. Sau một thời gian, các chỗ nhựa thuốc lá bám vào và tạo thành ung thư và các bệnh về phổi.

3) Carbon monoxide (khí CO)

Khí CO trong khói thuốc lá hấp thụ vào máu gắn với Hemoglobine làm giảm khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu, vì vậy làm giảm lượng oxy trong máu, góp phần hình thành các mảng xơ vữa động mạch và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và điều chỉnh cơ thể, liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề tuần hoàn khác.

4) Benzene

Là một chất sinh ung thư được tìm thấy trong khói của dầu khí hay trong thuốc trừ sâu bọ. Chất này có nồng độ rất cao trong khói thuốc lá, lượng benzene tác động đến con người từ khói thuốc lá chiếm một nửa lượng benzene xâm nhập vào con người từ tất cả các nguồn.

5) Amonia

Là một chất được sử dụng trong thuốc kích thích tăng trưởng và trong các sản phẩm tẩy rửa. Trong sản xuất thuốc lá, chất này được sử dụng để tăng cường tác động gây nghiện Nicotine.

6) Formaldehyde

Dung dịch dùng trong ướp xác. Chất này kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc khi hít phải khói thuốc lá.

7) Polycilic Acromatic Hydrocarbon (PAH)

Là một chất gây ung thư tìm thấy trong dầu Diezene và các sản phẩm đốt cháy khác./. 

TÁC HẠI CỦA HÚT THUỐC LÁ THỤ ĐỘNG ĐỐI VỚI TRẺ EM

Hút thuốc lá thụ động là hít khói thuốc từ không khí, mà không trực tiếp hút thuốc lá. Như vậy người hút thuốc lá thụ động là người hít khói thuốc do người khác ở gần đó hút thuốc. Những người đó thường là những người thân trong gia đình của người hút thuốc như: vợ, con, anh, em, bạn bè hoặc những người làm việc chung một cơ quan, một phòng, ...

Ở nước ta, hút thuốc là thói quen của nam giới, theo kết quả điều tra năm 2020 (GATS 2020), nam trên 15 tuổi hút thuốc lá chiếm tỉ lệ 42,3%. Khi hút thuốc trong nhà, khói thuốc lá sẽ làm cho phần lớn phụ nữ và trẻ em trở thành người hút thuốc thụ động.

Riêng đối với trẻ em, hút thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc có trong khói thuốc lá. Trẻ có cha, mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp các vấn đề sức khỏe. Hút thuốc thụ động ở trẻ em có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh: được biết như một cái chết bất ngờ khi đang ngủ của trẻ nhỏ mà không có bằng chứng về bất cứ sự ốm yếu nào của bào thai khi khám nghiệm tử thi. Tỉ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với thuốc lá trong quá trình bào thai cao hơn trẻ em khác từ 1,4 đến 8,5 lần.

Cân nặng sơ sinh thấp: trẻ sơ sinh có mẹ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá có cân nặng trung bình thấp hơn trẻ khác  khoảng 200 gram.

Viêm đường hô hấp cấp tính: là một trong những bệnh phổ biến nhất đối với trẻ nhỏ. Các bệnh hô hấp cấp tính có thể phân ra thành bệnh đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới (viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi). Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính và làm bệnh nặng hơn do làm tăng phù nề và viêm phổi. Nhìn chung, nguy cơ làm bệnh hô hấp cấp tính trầm trọng thêm cao hơn ở trẻ có cha, mẹ hoặc cả hai hút thuốc lá. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính cũng tăng lên cùng với mức độ tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Các triệu chứng hô hấp mạn tính: những triệu chứng bệnh hô hấp mãn tính ở trẻ là ho nhiều, nhiều nước dãi hoặc đờm và thở khò khè. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh sự tiếp xúc khói thuốc thụ động với tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trên. Nguy cơ mắc các triệu chứng hô hấp mãn tính ở trẻ sơ sinh có cha, mẹ cao hơn gấp 1,2 đến 1,5 lần só với trẻ khác.

Bệnh tai giữa và amidan: các bằng chứng hiện có đủ để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc lá thụ động ở trẻ em bao gồm bệnh tai giữa cấp tính, viêm tai giữa tái phát và chảy mủ tai mãn tính. Tỉ lệ trẻ có thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cao hơn so với trẻ không bị phơi nhiễm là 1,3 lần (đối với viêm tai giữa tái phát) và 1,4 lần lần (đối với chảy mũ tai mạn tính). Bệnh viêm tai giữa có thể dẫn tới mất khả năng nghe.

Các triệu chứng hen: Nếu trẻ đã bị hen, việc hút khói thuốc thụ động sẽ làm bệnh trầm trọng hơn và tái phát thường xuyên hơn. Hút thuốc thụ động làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ nhỏ.

Sự phát triển chức năng phổi: mẹ hút thuốc lá trong quá trình mang thai được chứng minh là có ảnh hưởng đến chức năng phổi của trẻ. Kết quả tổng hợp nghiên cức cho thấy trẻ hút thuốc lá thụ động bị giảm 4,8% tỉ suất thở ra giữa kỳ và 4,3% tỉ suất thở cuối kỳ./. 

TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Hiện nay trên toàn thế giới có khoảng hơn 1,6 tỷ người hút thuốc lá và số người hút tiếp tục tăng ở các nước đang phát triển. Mỗi năm có gần 8 triệu người chết do thuốc lá.

Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới, với trên 15 triệu người trưởng thành hiện đang hút thuốc. Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá trên 42,3%. Hàng năm ở nước ta có khoảng 40.000 người tử vong về các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu không thực các biện pháp phòng chống hữu hiệu con số này sẽ tăng lên trên 70.000 người tử vong vào năm 2030.

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất. Trong đó có hơn 200 loại có hại cho sức khỏe, đặc biệt có hơn 70 chất gây ung thư. Chất Nicotine là chất gây nghiện, tương tự như các chất ma túy, heroine và cocaine.

Hút thuốc lá có thể gây ra các loại bệnh như: 

- Các bệnh về đường hô hấp: hút thuốc lá nguyên nhân của 76% bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ngoài ra còn có thể gây ra nhiều bệnh khác như: hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp

- Ung thư: 90% các trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc lá. Ngoài ra còn gặp các loại ung thư như: ung thư miệng, thanh quản, thực quản, lưỡi, tuyến nước bọt, ung thư thận, ung thư bàng quang.

- Bệnh tim mạch: hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên gấp 2,3 lần các bệnh thường gặp là: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành(cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim), đột quỵ ,rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp , phình động mạch chủ.

- Các bệnh về tiêu hóa: làm bệnh nặng thêm viêm loét dạ dày, tá tràng.

- Các bệnh lý cho thai phụ và trẻ: sẩy thai, thai chết lưu, sinh non , sơ sinh nhẹ cân.

Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, người hút thuốc lá còn gây ảnh hưởng đến người xung quanh do họ hít phải khói thuốc lá thải ra ngoài môi trường xung quanh. Những người này thường là vợ, con sống chung trong chung trong gia đình hoặc làm chung cơ quan, nhà xưởng, xí nghiệp, với người hút thuốc lá. Những người hít phải khói thuốc như vậy gọi là hút thuốc thụ động.

Hút thuốc lá thụ động tăng 20-30% nguy cơ bị ung thư phổi. Tăng 22% nguy cơ trẻ sơ sinh nhẹ cân và là một trong những nguyên nhân gây hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh, các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp và mãn tính, giảm tốc độ phát triển chức năng phổi, viêm tai giữa cấp và mãn tính./.

TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ THẾ HỆ MỚI ĐẾN SỨC KHỎE CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG

Trong nhiều năm qua, với nỗ lực giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra. Chính phủ và ngành y tế đã có rất nhiều hoạt động nhằm thực hiện được mục tiêu trên.

Tuy nhiên, trước xu thế mới các tập đoàn thuốc lá cho ra đời các loại thuốc lá nhằm thay thế thuốc lá truyền thống: Thuốc lá điện tử, Thuốc lá nung nóng, Shisha. Các sản phẩm thuốc lá mới hiện được các công ty thuốc lá giới thiệu là một sản phẩm ít hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường, đây là các quảng cáo cố tình gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến việc tuyền truyền phòng chống tác hại của thuốc lá. Các bằng chứng đến thời điểm hiện tại cho thấy cả thuốc lá điện tử ENDs và thuốc lá nung nóng HTPs hay Shisha đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây hại cho người xung quanh.

1) Thuốc lá điện tử: Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong. 

Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai: Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em vì não bộ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, Nicotine cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.

Đối với thanh thiếu niên: Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh trong não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml. Điều này dẫn đến nguy cơ người sử dụng tăng liều lượng, mức độ dung nạp nicotine và gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.

2) Thuốc lá nung

Là loại thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù thuốc lá được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá. Trong đó có một số hóa chất được xếp vào nhóm rất độc có khả năng gây ung thư.

Thuốc lá làm nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh, có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Khi bị phơi nhiễm chất nitrosamines liên quan tới ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Phơi nhiễm chất aldehydes như formaldehyde có thể gây ung thư phổi và mũi, ngoài việc khiến cho phổi dễ bị nhạy cảm trước các nhiễm khuẩn. Phơi nhiễm carbon monoxide làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ. Phơi nhiễm acrolein góp phần làm tăng mảng bám trong mạch máu cũng như tạo huyết khối, tăng nguy cơ tim mạch và đột quỵ. Phơi nhiễm cũng gây tổn hại khả năng chống viêm của phổi.

3) Shisha

Thiết bị hút shisha có một hoặc nhiều thân, thường làm bằng thủy tinh, dùng để hút như hút thuốc lá. Trong đó, khói được lọc và làm lạnh bằng nước. 

Thành phần có trong shisha chủ yếu là lá thuốc được tẩm các hương vị, lá thuốc khi đốt dưới than hồng tạo khói và mùi vị cho người sử dụng. Nó không khác gì thuốc lá vì đều có nicotin.

Trong shisha có chứa carbon monoxide và rất nhiều loại chất độc hại khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Nicotin có trong shisha cũng gây nghiện và mang đến hậu quả khôn lường.

Tóm lại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới: Thuốc lá điện tử, nung nóng, shisha được thiết kế bắt mắt, thu hút giới trẻ, nhưng thực chất cũng gây hại cho sức khỏe con người và môi trường sống giống như thuốc lá truyền thống.

TRÍCH ĐIỀU 6, 7, 9 CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013. 

Trong bài viết này, chúng tôi xin trích điều 6, 7, 9 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 6. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

1. Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ. 

2. Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.

3. Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

1. Được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá.

2. Yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

3. Vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá.

4. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

5. Phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu.

2. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.

3. Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này.

4. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá. 

5. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá.

6. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

7. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.

8. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.

9. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá./.

TRÍCH ĐIỀU 11, 12 CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013. 

Trong bài viết này, chúng tôi xin trích điều 11, 12 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 11. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:

a) Cơ sở y tế;

b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;

d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

a) Nơi làm việc;

b) Trường cao đẳng, đại học, học viện; 

c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

Điều 12. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:

a) Khu vực cách ly của sân bay;

b) Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;

c) Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.

2. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

b) Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;

c) Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

3. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

4. Chính phủ quy định chuyển địa điểm tại khoản 1 Điều này thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà phù hợp với từng thời kỳ.

TRÍCH ĐIỀU 13, 14 CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ

Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2013. 

Trong bài viết này, chúng tôi xin trích điều 13, 14 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều 13. Nghĩa vụ của người hút thuốc lá

1. Không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

2. Không hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh, người cao tuổi.

3. Giữ vệ sinh chung, bỏ tàn, mẫu thuốc lá đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá./.

Điều 14. Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá

1. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có các quyền sau đây:

a) Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình;

c) Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.

2. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quy định tại Điều 6 của Luật này;

b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.

QUI ĐỊNH XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI HÚT THUỐC LÁ (ĐIỀU 25, 26, 27)

Ngày 28/09/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Nghị định 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.

Trong bài viết này chúng tôi trích một số điều 25, 26 và 27của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, chủ yếu có liên quan đến hành vi vi phạm trong phòng chống tác hại của thuốc lá.

Điều 25. Vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật;

b) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:

a) Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;

b) Không có dụng cụ chứa mẫu, tàn thuốc lá;

c) Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;

d) Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Điều 26. Vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá;

b) Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;

c) Bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 27. Vi phạm quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá

  1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) In cảnh báo sức khỏe không đúng mẫu, vị trí, diện tích và màu sắc theo quy định của pháp luật;

b) Không thay đổi định kỳ 2 năm một lần cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật;

c) Không ghi rõ số lượng điếu đối với bao thuốc lá dạng điếu hoặc trọng lượng đối với các loại thuốc lá khác;

d) Sử dụng từ, cụm từ làm người đọc, người sử dụng thuốc lá hiểu thuốc lá là ít có hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá và khói thuốc lá đối với sức khỏe con người.

  1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không In cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật đối với thuốc lá sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam;

b) Ký hợp đống sản xuất thuốc lá mang nhãn hiệu nước ngoài để tiêu thụ trong nước khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền./.

LỢI ÍCH CỦA VIỆC THỰC HIỆN MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ

            Tạo môi trường làm việc trong lành, đảm bảo quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc; giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá cho người lao động.

            Môi trường làm việc không khói thuốc lá giúp cho người không hút thuốc giảm được nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc vì vậy sẽ giảm được nguy cơ bệnh tật và tử vong có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá.

            Môi trường làm việc không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá.

Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc,… giảm những chi phí cho vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.

Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ giúp những người nghiện thuốc có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá. Chi tiêu cho thuốc lá sẽ dành cho các chi tiêu có lợi như: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống,…

Môi trường làm việc không khói thuốc lá góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, công chức, viên chức, nêu cao tinh thần giữ gìn sức khỏe, duy trì lối sống lành mạnh không khói thuốc lá.

TIÊU CHÍ XÂY DỰNG NƠI LÀM VIỆC KHÔNG KHÓI THUỐC LÁ

            Môi trường làm việc không khói thuốc lá giúp cho người không hút thuốc giảm được nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc vì vậy sẽ giảm được nguy cơ bệnh tật và tử vong có liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá.

            Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá như sau:

  1. Có niêm yết quy định cấm hút thuốc lá tại nơi có nhiều người qua lại trong cơ quan.
  2. Có treo bảng cấm hút thuốc lá trong phòng họp, phòng làm việc, phòng ăn, hành lang, cầu thang và các khu vực công cộng khác. Trong cơ quan có quy định cấm hút thuốc lá. Biển báo cấm hút thuốc lá rõ ràng, được treo hoặc đặt ở những vị trí dễ quan sát.
  3. Có kế hoạch hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá hàng năm. Có quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị.
  4. Có tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.
  5. Không có hiện tượng mua bán, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá trong khuôn viên cơ quan.
  6. Không có các vật dụng liên quan đến việc hút thuốc như gạt tàn, bật lửa trong phòng họp, phòng làm việc,…
  7. Không nhận sự hỗ trợ hoặc tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của các công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.
  8. Đưa nội dung không hút thuốc lá nơi làm việc vào tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
  9. Không có hiện tượng hút thuốc, tàn thuốc tại các khu vực cấm hút thuốc lá của cơ quan, đơn vị./.

HÃY TỪ BỎ THUỐC LÁ

Thuốc lá thường không gây ra tác hại trước mắt, vì vậy nhiều người hút thuốc chưa có ý định bỏ thuốc hoặc đã từng bỏ rồi sau đó hút lại. Người hút thuốc lá muốn bỏ thuốc phải xem việc nghiện thuốc như một bệnh, để có thái độ nghiêm túc và có cách chữa trị đúng, mới thành công trong bỏ thuốc. Bên cạnh đó cần nhớ rằng: gia đình, bạn bè và những người xung quanh có vai trò quan trọng trong việc giúp mình bỏ thuốc, và để bỏ thuốc thì quyết tâm là yếu tố quyết định.

Đầu tiên muốn bỏ thuốc thì chính bản thân người nghiện thuốc phải đến việc này để quyết tâm bỏ thuốc: nghĩ rằng hút thuốc tốn tiền cho gia đình, nếu không hút thuốc có thể có thêm tiền để mua thức ăn, mua sữa cho con. Hơn nữa hút thuốc có hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, mà những người này lại là chính là những người mình thương yêu nhất. Có thể nói chỉ riêng yếu tố quyết tâm đã góp phần rất lớn cho sự thành công bỏ thuốc.

Thông báo cho những người thân (vợ, con, những người thân ...) để có những lời khuyên bổ ích khi cần thiết. Ngày nay chúng ta không còn sợ bạn bè họ mời chúng ta hút thuốc lại. Trái lại, bạn bè nghe ta bỏ được thuốc lá họ sẽ mừng.

Người nghiện thuốc sẽ bị lệ thuộc Nicotine, khi bỏ thuốc, sự thiếu hụt Nicotine sẽ làm cho người bỏ thuốc có cảm giác khó chịu gọi là hội chứng cai thuốc, cho nên cần chuẩn bị các giải pháp để đối phó với tình trạng này như: uống nhiều nước, đọc sách báo, chơi thể thao, làm các công việc khác mà mình yêu thích, … về thời gian cần chuẩn bị bỏ thuốc và dịp thuận tiện, ít công việc căng thẳng, như những ngày nghỉ, ngày cuối tuần chẳng hạn.

Sau đó chúng ta bắt đầu bỏ hẳn thuốc. Khi bỏ thuốc trong những giờ đầu sẽ có cảm giác thèm thuốc do thiếu Nicotine, người cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, kém tập trung. Nên nghỉ ngơi hoặc chọn công việc nhẹ nhàng, uống nhiều nước, có người dung kẹo để nhai, ...

Những ngày tiếp theo sau cảm giác thèm thuốc giảm dần nhưng vẫn có khả năng làm cho người bỏ thuốc hút lại. Vì vậy cần kiên trì, nên nhớ rằng lòng quyết tâm và những khuyên bảo của người thân như vợ, con, bạn bè ... đóng vai trò rất quan trọng.

Một trong những vấn đề thường được mọi người quan tâm nữa là khi cai thuốc thường tăng cân. Đây không phải là vấn đề đáng lo ngại mà hãy xem là phản ứng bình thường. Vì khi cai thuốc dạ dày không còn bị ức chế do các chất trong khói thuốc nữa, nên người cai thuốc sẽ có cảm giác thèm ăn và ăn ngon miệng. Thêm vào đó là sự thay đổi hành vi ăn uống: người cai thuốc cảm thấy lạc miệng, có nhu cầu cần phải có gì đó trong miệng và kết quả là ăn nhiều hơn, ngon miệng hơn. Do đó người cai thuốc cần phải uống nhiều nước, tránh ăn vặt, siêng năng tập thể dục, hạn chế ăn nhiều chất béo chất ngọt, ăn nhiều trái cây và rau xanh.

Những ai đang hút thuốc hãy nhớ rằng: “Bỏ thuốc không bao giờ muộn, hãy suy ghẫm để bỏ thuốc ngay bây giờ và mãi mãi”./.

HÚT THUỐC LÁ – YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA TĂNG HUYẾT ÁP VÀ CÁC BỆNH TIM MẠCH

Có nhiều người tưởng rằng khi chúng ta hút thuốc lá thì khói thuốc lá chỉ vào phổi và khói thuốc lá chỉ gây ra tác hại đối với các cơ quan ở đường hô hấp mà thôi. Đây là một sự hiểu nhầm vô cùng nguy hiểm, nhất là đối với các bệnh nhân đang mắc một trong các bệnh lý về tim mạch. Thực tế cho thấy đã có những bệnh nhân nhập viện chỉ vì hút một điều thuốc lá. Một điều thuốc lá cũng có thể làm cho bệnh nhân đang mắc bệnh tim mạch bị đột quỵ, hoặc nhồi máu cơ tim. Đây là những bệnh lý rất nặng và tỷ lệ tử vong cao.

Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra hút thuốc lá nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi, các bệnh phổi mạn tính. Ngoài nguyên nhân gây ra các bệnh lý về đường hô hấp, hút thuốc lá còn tác động lên hệ tim mạch và là một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch ngoại vi, … 

Chỉ riêng việc hút thuốc lá cũng đã là một yếu tố nguy cơ độc lập, quan trọng gây ra các bệnh lý về tim mạch. Nhưng khi hút thuốc lá ở những người có kèm theo các nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì hoặc người có yếu tố gia đình bị bệnh tim mạch thì tác hại của thuốc lá sẽ tăng lên gấp nhiều lần chớ không chỉ đơn thuần là tác dụng cộng. 

Ở một người khi hút thuốc lá thì ngay lập tức làm tăng nồng độ cathecholamine trong máu, (đây là chất nội tiết có vai trò kích thích hệ thần kinh giao cảm của cơ thể) và tăng chất cacbon monoxid (CO). Các chất này có thể làm khởi phát những cơn đau ngực hoặc làm nặng thêm bệnh tim khác đã có trên người bệnh. Mặt khác, nồng độ nicotin tăng trong máu cũng gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, làm tim phải làm việc nhiều hơn hoặc cũng có thể gây ra những rối loạn nhịp tim. Các nghiên cứu cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng đến tim cũng tăng theo mức độ hút thuốc lá, tức là càng hút nhiều, hút lâu thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng tăng cao.

Ngoài ra hút thuốc cũng làm tăng nhanh quá trình xơ vữa động mạch, từ đó gây ra các bệnh lý tim mạch như: Tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não, bệnh động mạch ngoại vi, … hút thuốc lá gây xơ vữa động mạch theo nhiều cơ chế. Trước  hết nó làm tăng nồng độ chất cacbon monoxid (một chất có nhiều trong khói thuốc lá), là chất làm tổn thương sự toàn vẹn, mềm dẽo của lòng mạch máu, tạo điều kiện cho hình thành nhanh mảng xơ vữa; hút thuốc làm giảm chất HDL-cholesterol (cholesterol có lợi) và làm tăng nồng độ LDL-cholesterol (cholesterol có hại) và tăng triglycerid trong máu (mỡ máu) gây tăng tình trạng xơ vữa động mạch. Thêm vào đó hút thuốc cũng làm tăng khả năng đông máu. Vì vậy, sẽ dễ hình thành cục máu đông  trên cơ sở mảng xơ vữa. Hút thuốc cũng làm cho lớp tế bào nội mạc của mạch máu bị tổn thương, mật tính trơn nhẵn, đàn hồi, từ đó sẽ dễ dàng hình thành mảng xơ vữa dưới lớp nội mạc. Cuối cùng, có thể gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não./. 

TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ ĐỐI VỚI LỨA TUỔI HỌC SINH

Bất kỳ ai hút thuốc lá cũng dễ dàng gặp phải những căn bệnh nguy hiểm, tác hại của thuốc lá đối với học sinh cũng không phải ngoại lệ. Độ tuổi mới lớn thích những điều mới lạ, thích bản lĩnh và nghĩ rằng mình đã đủ chín chắn để làm một người trưởng thành nên các em dễ bị sa đà vào những thứ nguy hiểm như thuốc lá. Tình trạng hút thuốc lá ở học sinh hiện nay đang ở mức đáng báo động.

* Nguyên  nhân dẫn đến hút thuốc lá ở học sinh

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng hút thuốc ở học sinh hiện nay phải kể đến:

  1. Người thân xung quanh hút thuốc

Ở đổi tuổi học sinh đa phần các em đang ở tuổi vị thành niên vì thế nên thường có xu hướng bắt chước thói quen của người lớn. Chúng luôn khao khát tò mò với thế giới xung quanh vì thế nên nhìn thấy người lớn hút thuốc bất giác sẽ làm theo.

  1. Một số em thích thể hiện bản thân

Ở độ tuổi này đa số các em đều thích thể hiện bản thân và dễ bề lôi kéo, rủ rê hút thuốc lá và đặc biệt muốn thử. Một số học sinh bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo tập hút thuốc lá cho đúng là “ đàn anh, đàn chị” Ngay khi trong cuộc sống, trong gia đình có người nghiện thuốc lá làm cho các em theo hương đó mà học tập theo. Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc đến là sự thiếu sự quan tâm của gia đình và nhà trường.

  1. Quản lý của gia đình và xã hội còn lỏng lẻo

Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự lỏng lẻo của gia đình và xã hội. Những đứa trẻ hút thuốc không nhận được sự quan tâm của gia đình. Chính sự thờ ơ của gia đình đã ngày càng giết chết đi những mầm non tương lai của đất nước.

* Tác hại của thuốc lá đối với học sinh

Trong thuốc lá có đến 7000 chất hóa học độc hại, trong đó có nhiều chất ung thư như: nicotine, hắc ín, chất phụ gia,.. Khi hút thuốc, khói thuốc bị hít vào sẽ tạo điều kiện cho những chất độc này được tuồn vào cơ thể.

Các chất độc hại này dần phá hủy các tế bào của cơ thể, gây nên những nguy hiểm nghiêm trọng. Điển hình nhất là các bệnh về phổi: ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phế quản phổi,. Ở độ tuổi đang dậy thì các em sẽ bị các chất độc tàn phá nhanh chóng. 

Hút thuốc còn là nguyên nhân khiến người hút mắc các bệnh về tim mạch, các bệnh về ung thư, ảnh hưởng đến cả sinh sản sau này. Không chỉ vậy hút thuốc còn ảnh hưởng đến tinh thần và trí lực của các học sinh. 

Ở độ tuổi mới lớn các em còn bị những cám dỗ và hay sa đà vào những tệ nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai sau này. Đa số những em hút thuốc lá thường bị ảnh hưởng và thay đổi tâm tính, có những hình ảnh gây nguy hiểm đến những người xung quanh.

Tác hại của thuốc lá đối với học sinh thường hình thành những nhân cách xấu cho học sinh, thuốc lá còn gây những bệnh nguy hiểm còn hủy hoại nhân cách và tương lai rộng mở của các em.

* Biện pháp phòng tránh thuốc lá đối với học sinh

Gia đình và nhà trường và cả xã hội cần phối hợp chặt chẽ quán triệt và xử lý kịp thời những đối tượng học sinh hút thuốc lá, những cơ sở bán thuốc lá cho học sinh dưới 18 tuổi.

Gia đình thường xuyên quan tâm và quản lý sinh hoạt đến con cái về thời gian cũng như mối quan hệ bạn bè. Cha mẹ cần trang trí cho các em những kỹ năng từ chối trước lời mời dụ dỗ tự bạn bè. 

Trường học cần tuyên truyền và phòng chống hút thuốc lá đối với các em học sinh và tác hại của thuốc lá đem lại .

Ngoài những sự tích cực của gia đình và nhà trường rất cần hơn nữa là sợ quan tâm của cơ sở ban ngành và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hãy tăng cường quản lý các cửa hàng và các điểm buôn bán thuốc lá, tránh trường hợp bán cho các em học sinh./. 

Những vấn đề thường gặp khi từ bỏ thuốc lá.

1. Những vấn đề có thể gặp khi cai thuốc lá và cách khắc phục

Cai thuốc có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe đối với những người nghiện nặng trong nhiều năm. Khoảng 50% một nửa số người hút thuốc trải qua ít nhất 4 triệu chứng sau đây khi bỏ thuốc: Cơn thèm chất gây nghiện (trong trường hợp này là nicotine); Giận dữ, thất vọng, cáu kỉnh; Lo âu; Trầm cảm; Tăng cân. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như chóng mặt, hay mơ và đau đầu. Các triệu chứng này sẽ chấm dứt sau 1 tuần hay sau 1 tháng. Chúng ta có thể giảm nhẹ hay kiểm soát các triệu chứng thường gặp này cho đến khi nó biến mất. 

Các dấu hiệu nhận biết và khắc phục.

1.1. Cơn thèm nicotine? Thường bắt đầu trong vòng 1-2 giờ sau cữ hút cuối cùng, đạt đỉnh sau vài ngày, có thể kéo dài vài tuần. Dần dần, các cơn thèm sẽ cách xa nhau. Những cơn thèm nhẹ có thể kéo dài trong 6 tháng.

Để khắc phục: chúng ta hãy tự nhắc mình cảm giác này sẽ qua. Tránh những tình huống liên quan đến việc hút thuốc. Làm cho miệng bận rộn sẽ giúp giảm cảm giác cần hút thuốc do tâm lý. Hãy thử nhai cà rốt, dưa, táo, cần tây, sing-gum không đường hoặc kẹo… Hãy thử bài tập này: hít sâu bằng mũi và thổi ra từ từ bằng miệng. (Lặp lại 10 lần)

1.2. Kiểm soát cơn giận dữ, thất vọng hoặc cáu kỉnh do cai thuốc lá? Nó thường xuất hiện trong vòng 1 tuần sau bỏ thuốc và kéo dài từ 2 đến 4 tuần. 

Cách khắc phục: Tự nhắc mình đây chỉ là những cảm xúc nhất thời. Tập thể dục, thể thao như đi bộ, bơi lội, thể hình… sẽ làm cho các cảm xúc này ít xuất hiện. Giảm tiêu thụ caffeine bằng cách tránh uống cà phê, soda hoặc trà. Dùng các kỹ thuật thư giãn như massage, ngâm mình trong nước ấm hoặc hít sâu bằng mũi rồi thở ra bằng miệng 10 lần.

1.3. Làm giảm cảm giác lo âu? Lo âu thường xuất hiện trong vòng 3 ngày sau bỏ thuốc và kéo dài khoảng 2 tuần.

Cách khắc phục: Tương tự như trường hợp kiểm soát cơn giận dữ, thất vọng, cáu kỉnh ở trên. Lập ra khoảng thời gian tĩnh lặng mỗi sáng và tối – thời gian mà bạn có thể ở một mình tại một nơi yên tĩnh.

1.4. Làm giảm các dấu hiệu khi bị trầm cảm? Trong ngày đầu tiên, tiếp diễn trong 2 tuần đầu, và biến mất trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, với những ai không có tiền sử trầm cảm, tình trạng này hiếm khi xảy ra.

Cách khắc phục: Tham gia các hoạt động vui vẻ cùng bạn bè như nói chuyện, dùng bữa trưa, xem phim, hòa nhạc… Nhận diện cảm xúc đặc thù của bạn khi cảm thấy trầm cảm: mệt mỏi, cô đơn, chán chường hay đói. Tăng cường các hoạt động thể chất giúp cải thiện tâm trạng và thoát cơn trầm cảm. Hít thở sâu. Lập danh sách những việc làm bạn bực bội và viết ra cách giải quyết. Nếu tình trạng trầm cảm kéo dài hơn 1 tháng, hãy đến gặp bác sĩ.

1.5. Khắc phục việc lên cân?

Các hoạt động thể dục thường xuyên, chế độ ăn lành mạnh giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý. Nếu tăng cân nhiều, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng hoặc nhân viên tư vấn giảm cân.

Ngoài ra, các sản phẩm thay thế nicotine được ghi nhận có thể làm giảm bớt các triệu chứng trên đây. 

2.Tái nghiện thuốc lá và cách phòng tránh.

Những hoạt động thường ngày gợi nhớ đến thói quen hút thuốc cũng có thể làm bạn muốn hút trở lại. Một số cách ứng phó như sau:

2.1. Chống lại cảm giác muốn hút thuốc khi ở gần những người hút thuốc?

Hạn chế tiếp xúc với những người hút thuốc, đặc biệt trong tuần đầu sau bỏ thuốc. Không mua, cầm, châm lửa hoặc giữ giúp thuốc cho người khác. Lánh đi nơi khác nếu có người hút thuốc. Treo biển “không hút thuốc” trong nhà của bạn. Nhờ sự hỗ trợ của người khác để giúp bạn bỏ thuốc. Đề nghị họ làm những việc thực tế như không hút thuốc gần bạn, không nhờ bạn đi mua thuốc lá. Suy nghĩ về những điều tốt đẹp bạn đạt được khi bỏ thuốc. Ví dụ, sức khỏe của bạn; số tiền bạn tiết kiệm được do bỏ thuốc lá.

2.2. Làm gì để bắt đầu một ngày không hút thuốc?

Lên kế hoạch cho một thói quen mới khi thức dậy. Đảm bảo không có thuốc lá xung quanh bạn. Trước khi đi ngủ, hãy lập danh sách những việc tránh làm trong ngày khiến bạn muốn hút thuốc. Đặt danh sách này tại nơi bạn hay để thuốc lá. Thực hiện những hoạt động đã lên kế hoạch sẽ giúp bạn bận rộn hơn, giữ đầu óc không nghĩ đến việc hút thuốc. Khởi đầu mỗi ngày với việc hít thở sâu và uống nhiều nước.

2.3. Chống lại cảm giác muốn hút thuốc khi uống cà phê hay trà?

Hãy báo cho mọi người biết bạn đã bỏ thuốc, để họ không mời. Giữa các ngụm trà hay cà phê, hãy hít sâu để tận hưởng hương vị. Hít sâu, chậm và đếm thầm đến 5; thở ra từ từ, đếm đến 5 lần nữa. Thử đổi sang loại trà hay cà phê không chứa caffeine, nhất là khi việc bỏ thuốc khiến bạn bứt rứt khó chịu hay lo lắng.Giữ tay mình bận rộn bằng cách nhấm nháp các loại thức ăn lành mạnh, vẽ nguệch ngoạc… Nếu cảm giác muốn hút thuốc quá mạnh mẽ, hãy uống nhanh cốc trà hay cà phê rồi chuyển qua nơi khác. Hãy tập trung vào những gì bạn đạt được khi bỏ thuốc.

Tóm lại cai thuốc lá không khó hãy thực hiện vì sức khỏe của bạn và gia đình

Ảnh hưởng của “Hút thuốc lá thụ động đối với thai phụ và trẻ nhỏ”

Theo thống kê của Bộ y tế tỷ lệ nhập viên vì viêm phổi do hít phải khí thuốc là lên đến 56%. Đối với trẻ vẫn đang bú mẹ chiếm 95%.

Trẻ nhỏ có bố mẹ hay hút thuốc lá thường bị bệnh về đường hô hấp, nặng hơn phải nằm viện lâu hơn những đứa trẻ khác

Thế nào là hút thuốc lá thụ động?

Hút thuốc lá thụ động hay hít phải khói thuốc là hình thức hít phải khói thuốc một cách gián tiếp từ không khí mà không trực tiếp hút thuốc lá và cũng phải chịu tác hại từ khói thuốc dẫn đến các nguy cơ về ung thư phổi. 

Theo phân loại sẽ có 3 loại khói thuốc được sản sinh ra trong quá trình hút thuốc: 

Khói thuốc chính: được thả trực tiếp từ điếu thuốc đang cháy

Khói thuốc tỏa ra từ khói thuốc chính: khói thuốc thở ra từ người hút

Khói thuốc phụ: bốc ra từ điếu thuốc sắp tàn

Khói thuốc thụ động: là sự kết hợp của khói thuốc chính và khói thuốc phụ.

Thời gian tồn tại của khói thuốc trong không khí là hơn 2 giờ đồng hồ, ngay cả khi không còn nhìn và ngửi thấy. Vì thế những ai làm việc hoặc sống cùng người hút thuốc lá trực tiếp sẽ hít phải lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu thuốc mỗi ngày. Chính vì thế khi trẻ nhỏ hít vào đồng thời sẽ làm tê liệt hệ thống lông trong phổi ảnh hưởng đến đường thở, nguy cơ trẻ mắc một số bệnh: nhiễm trùng phổi, thở khò khè, mắc các bệnh về hen suyễn.

Ảnh hưởng của hút thuốc lá thụ động với phụ nữ mang thai: 

Tăng khả năng sinh non: Nếu thai phụ nghiện thuốc hoặc hít phải khói thuốc trong thời gian dài đều có khả năng sinh non cao hơn so với người khác. Sinh non có thể dẫn đến các vấn đề khác như thiếu máu, tăng huyết áp , vỡ ối sớm…

Sảy thai hoặc thai chết lưu: Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu sẽ dễ bị thai chết lưu hoặc sảy thai nếu như tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá. Theo nghiên cứu phụ nữ có chồng hút thuốc mang nguy cơ cao bị sảy thai hơn so với phụ nữ khác. 

Dễ bị nhau thai tiền đạo: Nhau thai tiền đạo là tình trạng nhau thai nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung, che một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung dẫn đến xuất huyết trong khi mang thai. 

Nguy cơ mang thai ngoài tử cung tăng lên: Nicotin trong khói thuốc có khả năng gây ra cơn co thắt trong ống dẫn trứng từ đó làm cản trở quá trình phôi thai đi vào tử cung dẫn tới tình trạng phôi thai làm ổ bên ngoài tử cung. 

Bong nhau thai: Nhau thai có chức năng cung cấp oxy và chất dinh dưỡng để nuôi sống thai nhi, khi hít phải khói thuốc nhiều, thai phụ có thể bị bong nhau thai hoặc nhau thai bị đứt dẫn đến tình trạng chảy máu nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng cả mẹ và con. 

Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với thai nhi:

Kém phát triển về thể chất và trí não: Khi người mẹ hít phải nicotin và carbon monoxide có trong khói thuốc sẽ dẫn đến hiện tượng hẹp mạch máu, trong đó có cả mạch máu tại dây rốn khiến quá trình thai nhi nhận oxy và máu từ mẹ trở nên khó khăn gây hậu quả nghiêm trọng đến thể chất và trí não của trẻ. 

Trẻ bị dị tật bẩm sinh: Nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ sẽ tăng ⅔ lần đối với trường hợp mẹ nghiện hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc quá nhiều. 

Trẻ sinh ra nhẹ cân: Đối với những bà bầu hút thuốc lá thụ động, tỷ lệ thai nhi bị chậm tăng trưởng tăng 3,4 đến 4,2 lần, cân nặng của trẻ giảm từ 170 đến 200gr khiến bé sinh ra nhẹ cân.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh tăng lên: Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) là những cái chết trong nôi xảy ra đột ngột không rõ nguyên nhân ở trẻ chưa đầy 1 tuổi. Thời điểm xảy ra thường vào lúc trẻ ngủ giữa 10 giờ tối và 10 giờ sáng. 

Tác hại của thuốc lá đối với trẻ em:

Hô hấp ở trẻ em: Tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, khò khè, ho, viêm phế quản, viêm phổi và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.

Nhiễm trùng ở trẻ em: Phơi nhiễm khói thuốc đã được chứng minh là nguyên nhân gây lên sự gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp lên1,54 lần..

Tim mạch: tăng nguy cơ phát triển bệnh động mạch vành sớm, làm tổn thương mạch máu vĩnh viễn ở trẻ em. 

“Tất cả mọi người hãy cùng hành động không nên thờ ơ hoặc im lặng để cố che chắn cho con bạn trước một người đang hút thuốc. Bạn hãy yêu cầu họ tắt điều thuốc. Bởi chính họ đang là nguyên nhân để gây hại cho chính vợ và con bạn”./.

NHẬN DIỆN CÁC LOẠI THUỐC LÁ THẾ HỆ MỚI VÀ CÁC DẤU HIỆU TRẺ SỬ DỤNG THUỐC LÁ ĐIỆN TỬ CHA MẸ CẦN BIẾT

Với sự phát triển nhanh đến chóng mặt của thuốc lá điện tử, ngày càng có nhiều loại thế hệ mới ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Dựa vào từng dòng thuốc cụ thể được phân loại và gọi bằng những cái tên khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là Vape, Pod System hay IQOS. Tất cả các sản phẩm này đều hoạt động cùng một cơ chế: thiết lập bo mạch tạo thành hơi nước từ quá trình hoá hơi tinh dầu. 

Thuốc lá điện tử Iqos Nhật Bản - sản phẩm cai thuốc lá hiệu quả nhất 2018Ảnh đại diện sản phẩmVape

Với các thiết kế nhỏ gọn tối giản, các loại thuốc lá thế hệ mới này với nhiều hình dáng khác nhau như cây bút bi, USB…  nhìn rất sành điệu, đánh lừa thị giác của người lớn khi giới trẻ sử dụng. Đặc biệt, hiện nay để sở hữu 01 cây thuốc lá điện tử lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, chỉ cần lên các trang thương mại điện tử đặt hàng online là được giao hàng tận nơi, điều này lại càng thúc đẩy nhu cầu sử dụng cho người mua đặc biệt là giới trẻ.

Các dấu hiệu nhận biết trẻ sử dụng thuốc lá điện tử

Các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo về 5 dấu hiệu sớm nhận biết trẻ sử dụng thuốc lá điện tử.

Một là trẻ có thẻ có các biểu hiện hô hấp như: Ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi. 

Hai là trẻ thay đổi hành vi. Cụ thể, trẻ hay có biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm. 

Ba là tìm thấy những vật lạ trong nhà. Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB… Nếu cha mẹ tìm thấy những vật thể có hình dáng bất thường trong nhà, thì có thể đưa đến bệnh viện để kiểm tra.

Bốn là phát hiện thấy mùi lạ. Thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh… Nếu cha mẹ ngửi thấy những mùi hương bất thường trong nhà, có thể đó là dấu hiệu của việc trẻ dùng thuốc lá điện tử. 

Năm là những hành vi hoặc trò chuyện đáng ngờ với bạn bè. Trẻ có xu hướng lén lút sử dụng thuốc lá điện tử cùng với bạn bè. Do vậy, cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật.

Từ những khuyến cáo trên, các bậc cha mẹ cần quan tâm, gần gũi giáo dục và dành nhiều thời gian để đồng hành cùng con trẻ hơn, nhất là khi con bước vào độ tuổi dậy thì, đây là giai đoạn tâm sinh lý của trẻ thay đổi mạnh mẽ, dễ sa ngã, bắt trước học theo bạn, sự hiểu biết chưa đầy đủ dễ làm cho con trẻ học những hành vi chưa chuẩn mực. Trong đó hút thuốc lá là một hành vi được các bạn trẻ cho rằng thể hiện được sự sành điệu và trưởng thành của mình mà không bit rằng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mình trong tương lai.